Chiều cao của trẻ được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng. Chính vì vậy, hãy chú ý đến chế độ dinh dưỡng để trẻ có thể đạt được chiều cao tối ưu.
Vai trò của yếu tố dinh dưỡng phát triển chiều cao cho trẻ
Trẻ em là những mầm non tương lai đất nước, là nguồn nhân lực chủ yếu để xây dựng đất nước trong tương lai. Một quốc gia muốn phát triển thì chắc chắn nguồn nhân lực phải khỏe mạnh, thông minh, tầm vóc và thể lực tốt.
Dinh dưỡng là một trong các yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho biết chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố gồm: yếu tố dinh dưỡng (32%), yếu tố di truyền (23%), vận động thể lực (20%), ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của môi trường, ánh nắng, tình hình bệnh tật, giấc ngủ…
Trẻ tăng chiều cao nhanh vào những năm đầu đời. Sau đó, khi trẻ lớn dần lên, tốc độ tăng trưởng chiều cao chậm lại. Việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ là điều vô cùng cần thiết, nhất là trong giai đoạn bào thai, giai đoạn trẻ nhỏ và trẻ ở lứa tuổi tiểu học giúp trẻ tăng trưởng đều đặn về thể chất và các chức năng quan trọng khác (tâm lý, vận động,…) nhằm chuẩn bị tốt cho sự tăng vọt ở tuổi dậy thì.
Các giai đoạn phát triển chiều cao
Có 3 giai đoạn “VÀNG” phát triển nhanh về chiều cao ở trẻ mà ba mẹ cần lưu ý:
Giai đoạn bào thai: Trong suốt 9 tháng mang thai, người mẹ hãy cố gắng đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhằm tăng từ 10-12kg để lúc sinh bé đạt chiều cao 50cm (tương ứng cân nặng khoảng 3kg lúc sinh).
Giai đoạn từ 0 – 3 tuổi: Nếu được bổ sung đầy đủ dưỡng chất thì:
- Năm thứ nhất: tăng 25 cm
- Hai năm kế tiếp: mỗi năm tăng 10cm.
Sau 4 tuổi: chiều cao của trẻ tăng trung bình khoảng 5 – 6 cm/năm cho đến tuổi dậy thì.
Giai đoạn dậy thì: Dậy thì là cơ hội giúp trẻ tăng tốc phát triển chiều cao tối đa. Dinh dưỡng là một trong các yếu tố góp phần “đánh thức” tối đa chiều cao tiềm năng ở tuổi tiền dậy thì.
- Chiều cao của bé gái tăng khoảng 6-10cm/năm và đạt đỉnh 10-12cm vào năm dậy thì.
- Chiều cao bé trai tăng khoảng 7-12cm/năm và đạt đỉnh 12 -15cm vào năm dậy thì.
Sau giai đoạn dậy thì, chiều cao của trẻ tăng chậm lại, chỉ khoảng 2-3 cm/năm.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ để phát triển tối đa chiều cao
Để trẻ phát triển chiều cao, cha mẹ cần nắm bắt 3 giai đoạn vàng trên để phát triển chiều cao và tác động vào yếu tố dinh dưỡng cho trẻ – một trong các yếu tố chính liên quan đến phát triển chiều cao của trẻ là:
Trong suốt thời kỳ mang thai và cho con bú: Người mẹ phải được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng, nhất là chất đạm, sắt, i-ốt, axit folic, axit béo không no,…
Khi bé được sinh ra: Trong 6 tháng đầu nên cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ vì trong sữa mẹ chứa nguồn canxi dồi dào, dễ hấp thu, giúp tăng chiều cao cho trẻ.
Đến thời kỳ ăn dặm và sau đó: Trẻ cần được bổ sung đủ 4 nhóm chất là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, đồng thời phải bổ sung phong phú các loại thực phẩm.
Ở trẻ em: Quá trình xương phát triển dài và to ra cần một số nguyên liệu gồm canxi, phospho và sự tham gia của các yếu tố vận chuyển, hoạt hóa như: vitamin D, Calcitriol, Osteocalcin, Vitamin K2… Các thực phẩm giàu canxi cần được bổ sung cho trẻ như: tôm, cua, cá, tép, ốc, trứng gà, sữa, sữa chua, phô mai,… Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ canxi, phospho, quá trình xương phát triển bắt đầu. Vitamin K2 có tác dụng chống bệnh còi xương, loãng xương. Nếu thiếu vitamin K2, lượng canxi hấp thu vào cơ thể sẽ không được sử dụng hiệu quả và có thể gây nguy hiểm. Vitamin K2 có nhiều trong một số loại thực phẩm như: phô mai, đậu phụ, đặc biệt đậu phụ lên men kiểu Nhật (Natto), bơ, lòng đỏ trứng. Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm bổ sung vitamin K2 dưới dạng MK7 – là loại vitamin K2 duy nhất có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Nguyên tắc dinh dưỡng để phát triển chiều cao cho trẻ lứa tuổi tiền dậy thì
Ăn đủ bữa: Ăn đủ 3 bữa chính và nên cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ trong ngày.
- Bữa ăn chính: Trong khẩu phần ăn của trẻ có đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột, chất béo, chất đạm và vitamin, các khoáng chất, chất xơ) nhằm cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu để trẻ phát triển. Bữa sáng là bữa ăn chính không được bỏ, nó cung cấp năng lượng cho trẻ học tập và hoạt động cho một ngày mới. Nếu bỏ bữa sáng trẻ có thể bị hạ đường huyết và về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất của trẻ.
- Bữa phụ: Có thể cho trẻ ăn những thức ăn nhanh, sẵn có mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng như: uống sữa, ăn bánh bông lan, khoai, chè,…
Đảm bảo nhu cầu Canxi:
Canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương, giúp xương vững chắc để giúp trẻ phát triển chiều cao. Một số thực phẩm giàu Canxi gồm: sữa, cua ốc, tôm, tép, cá nhỏ nguyên xương,…
Ăn nhiều thực phẩm giàu Lysin:
Lysin là một acid amin quan trọng trong sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Trong quá trình chế biến thức ăn, Lysin dễ bị phá hủy Do vậy, cần giúp trẻ ăn đa dạng thức ăn nhằm tránh thiếu hụt Lysin. Thực phẩm giàu Lysin bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu,…
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt:
Sắt là nguyên liệu để tạo máu. Thiếu chất sắt là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, làm chậm quá trình tăng trưởng, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tư duy, sáng tạo kém. Thực phẩm bổ sung sắt gồm: gan, huyết, trứng, thịt, cá, đậu đỗ, rau dền,…
Ăn thực phẩm giàu chất kẽm:
Chất kẽm rất cần thiết cho hoạt động phân chia tế bào và chuyển hóa của cơ thể, thúc đẩy sự tăng trưởng. Thiếu kẽm sẽ dẫn đến biếng ăn, chuyển hóa và trao đổi chất kém, tăng trưởng kém. Một số loại thực phẩm giàu kẽm gồm: hàu, sò, gan heo, sữa, đậu nành, thịt bò, trứng (lòng đỏ), cá,…
Ăn nhiều rau củ, trái cây:
Rau củ và trái cây cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Chúng không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giúp trẻ hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Vitamin A từ cà rốt, khoai lang, và các loại rau có màu xanh đậm rất quan trọng cho sự phát triển của xương và hệ miễn dịch. Vitamin C từ cam, quýt, dâu tây giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn, đồng thời kích thích sản sinh collagen – một protein quan trọng trong cấu trúc xương. Các loại trái cây như chuối, táo, và lê cung cấp nhiều kali, giúp duy trì sự cân bằng của các chất điện giải trong cơ thể, hỗ trợ chức năng cơ bắp và thần kinh.
Trong chế biến thức ăn nên sử dụng muối Iod:
Iod là nguyên liệu tạo nên nội tiết tố của tuyến giáp, tác động lên hoạt động của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể để thúc đẩy sự tăng trưởng của trẻ. Thức ăn giàu Iod: Muối iod, trứng gà, sữa, cá biển, rau câu, tảo, phomai,…
Tình trạng nhiễm giun sán: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra thiếu máu thiếu sắt, vì vậy, trẻ và cả gia đình cần định kỳ tẩy giun 2 lần/năm, để đảm bảo cho sức khỏe.
Các nguyên tắc cần lưu ý trong dinh dưỡng
Sự đa dạng của thực phẩm: Trẻ em cần được ăn đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển chiều cao. Việc ăn đa dạng không chỉ giúp cung cấp đủ chất mà còn giúp trẻ tránh được tình trạng biếng ăn, kém hấp thu do ăn quá ít loại thực phẩm.
Chế độ ăn cân đối: Chế độ ăn của trẻ cần cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng. Không nên để trẻ ăn quá nhiều một loại thực phẩm mà thiếu hụt các loại thực phẩm khác. Ví dụ, ăn quá nhiều chất đạm mà thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất từ rau củ quả.
Giảm tiêu thụ đường và muối: Trẻ em cần hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường và muối. Việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường. Còn việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây tăng huyết áp và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Uống đủ nước: Nước rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Uống đủ nước giúp cơ thể hoạt động tốt hơn, tăng cường quá trình trao đổi chất và giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa.
Không bỏ bữa sáng: Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, cung cấp năng lượng cho cả ngày hoạt động. Việc bỏ bữa sáng có thể dẫn đến hạ đường huyết, giảm khả năng tập trung và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ.
Tránh ăn vặt không lành mạnh: Các loại đồ ăn vặt như snack, kẹo, bánh ngọt chứa nhiều đường, chất béo không tốt cho sức khỏe của trẻ. Thay vào đó, hãy cho trẻ ăn các loại hoa quả, sữa chua, hạt dinh dưỡng.
Tập thể dục và giấc ngủ
Bên cạnh dinh dưỡng, việc tập thể dục đều đặn và giấc ngủ đủ giấc cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chiều cao của trẻ.
Tập thể dục đều đặn: Các hoạt động thể chất như bơi lội, bóng rổ, nhảy dây, chạy bộ,… giúp kích thích sự phát triển của xương và cơ bắp, từ đó giúp trẻ phát triển chiều cao. Hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao ít nhất 1 giờ mỗi ngày.
Giấc ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Trong lúc ngủ, cơ thể sản sinh ra hormone tăng trưởng giúp kích thích sự phát triển của xương. Trẻ em cần được ngủ đủ 8-10 tiếng mỗi đêm để đảm bảo sự phát triển toàn diện.
Trên đây là một số thông tin cần thiết về dinh dưỡng phát triển chiều cao tối đa cho trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo để hiểu rõ hơn và áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp để trẻ có thể tăng chiều cao tối đa.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cả về tinh thần lẫn thể chất, cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, phụ huynh cần xem lại chế độ ăn uống và bổ sung kịp thời để giúp trẻ phát triển tốt nhất.